• Trang chủ /
  • Giảng viên NCKH
  • / Bảo vệ quyền trẻ em là con nuôi, so sánh một số quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật của Pháp

Bảo vệ quyền trẻ em là con nuôi, so sánh một số quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật của Pháp

Từ khóa: nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, quyền trẻ em là con nuôi, pháp luật nuôi con nuôi của Pháp, kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi con nuôi.

Dẫn nhập

Việc nhận nuôi con nuôi đã diễn ra từ rất lâu và đến hôm nay đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội. Mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi với con nuôi là mối quan hệ mang giá trị nhân văn sâu sắc. Việc nhận nuôi con nuôi đem lại mái ấm gia đình và cuộc sống tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh khó khăn; mặt khác, nó giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có được hạnh phúc từ việc nhận nuôi con và những gia đình có điều kiện chia sẽ khó khăn với cộng đồng, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ thành công dân có ích cho xã hội. Đây là việc thiết lập mối quan hệ đặc biệt, hơn nữa nó có liên quan trực tiếp đến trẻ em – đối tượng rất cần được quan tâm và bảo vệ, cho nên nhằm đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi, nước ta đã ban hành nhiều quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ nuôi con nuôi, những quy định này được tìm thấy trong Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật trẻ em, … Pháp luật Việt Nam cũng đã cụ thể hóa những quy định về nuôi con nuôi trong Luật nuôi con nuôi 2010, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Khoá XII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định pháp luật về nuôi con nuôi trên thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Việc áp dụng các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ quyền của trẻ em là con nuôi cần được quan tâm, đảm bảo, từ việc quy định điều kiện, thủ tục ban đầu nhận con nuôi, trách nhiệm của những người có liên quan trong việc bảo vệ đứa trẻ được nhận nuôi trong suốt quá trình nuôi dưỡng đứa trẻ và cơ chế hậu kiểm sau khi đứa trẻ được nhận nuôi, trên thực tế việc thực thi các quy đinh liên quan đến vấn đề này và công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa thật sự hiệu quả. 

1. Quy định của pháp luật về việc nhận trẻ em làm con nuôi

Theo quy định tại Điều 3 Luật nuôi con nuôi năm 2010, “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.” Trong mối quan hệ này, cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi và con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Điều 8 Luật này quy định người được nhận làm con nuôi bao gồm hai nhóm đối tượng; nhóm đối tượng thứ nhất là trẻ em dưới 16 tuổi và nhóm đối tượng thứ hai là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật nuôi con nuôi như: cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Nuôi con nuôi cũng là một trong những biện pháp chăm sóc thay thế trong các trường hợp trẻ em không được chăm sóc bởi cha mẹ của mình được đề cập đến trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990 và cũng được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật trẻ em năm 2016 của Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể thấy việc nuôi con nuôi có liên quan trực tiếp đến nhóm đối tượng trẻ em – đối tượng đặc biệt chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tinh thần và rất cần phải được chăm sóc, bảo vệ.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990, Điều 1 về khái niệm trẻ em, Công ước này xác định rằng trong phạm vi Công ước, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Việc quy định độ tuổi của trẻ em phụ thuộc vào quan điểm của các nhà lập pháp về đặc điểm thể chất, văn hóa xã hội của từng quốc gia. Nhiều nước trên thế giới quy định độ tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi theo như quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em như Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, …. Tuy nhiên, cần lưu ý Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 của nước ta quy định theo hướng tuổi thành niên sớm hơn, cho nên trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi.

1.1. Về điều kiện nuôi con nuôi

Quy định điều kiện của người nhận nuôi con nuôi

Việc pháp luật quy định điều kiện của người nhận con nuôi chặt chẽ, hợp lý sẽ tạo tiền đề quan trọng quyết định cho việc trách nhiệm của cha mẹ nuôi đối với con nuôi có được đảm bảo thực hiện tốt hay không. Đồng thời đảm bảo được quyền lợi của đứa trẻ được nhận nuôi.

Về điều kiện chung để nhận nuôi con nuôi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi thì người nhận nuôi phải đáp ứng các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt. Pháp luật nước ta không quy định cụ thể về độ tuổi của người nhận con nuôi mà chỉ quy định rằng người nhận nuôi con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Như vậy, ta có thể ngầm hiểu rằng một người muốn nhận nuôi con nuôi thì người đó phải từ 21 tuổi trở lên. Mặc dù một người ở độ tuổi 21 là người đã thành niên nhưng thực tế ở độ tuổi này, vấn đề tài chính và khả năng chăm sóc, giáo dục một đứa trẻ chưa thật sự được đảm bảo. Vì một người trưởng thành ở độ tuổi 21 có thể chưa thực sự chín chắn để đi đến quyết định nhận nuôi một đứa trẻ và cũng chưa đủ nhiều trải nghiệm để có thể giáo dục, hoàn thiện tốt một đứa trẻ. Điều này có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy nhất định cho đứa trẻ được nhận nuôi khi cha hoặc mẹ nuôi của chúng có tuổi đời còn khá trẻ.

Theo pháp luật của Pháp, độ tuổi của người nhận con nuôi được quy định tại Điều 343 và Điều 343-1 Bộ luật Dân sự Pháp. Theo đó, một người độc thân muốn nhận nuôi con nuôi thì người đó phải trên 28 tuổi; còn nếu một cặp vợ chồng muốn nhận nuôi con nuôi thì phải thỏa mãn điều kiện rằng hai vợ chồng không ly thân, đã kết hôn trên hai năm hoặc cả hai trên 28 tuổi thì họ mới có thể yêu cầu nhận con nuôi. Khi so sánh hai quy định trên, ta thấy pháp luật Pháp có yêu cầu chặt chẽ hơn pháp luật Việt Nam về điều kiện của người nhận nuôi con. Trên thực tế, 28 tuổi là độ tuổi đủ chín chắn về mặt tâm lí cũng như tương đối ổn định về điều kiện kinh tế để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ. Bên cạnh đó, theo tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay thì độ tuổi 20 thường vẫn còn nằm trong giai đoạn học tập hoặc mới bắt đầu sự nghiệp.

Về đối tượng được nhận nuôi con nuôi, tại khoản 3 Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định “một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Như vậy ngoài những điều kiện trên, trong trường hợp người nhận nuôi đã có vợ hoặc có chồng thì cần được sự đồng ý của cả hai người. Pháp luật Việt Nam chỉ quy định hai người là vợ chồng nếu thỏa mãn điều kiện tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì có thể nhận nuôi con nuôi và không bổ sung thêm điều kiện gì về mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng. Liên quan đến vấn đề này, pháp luật Pháp yêu cầu cặp vợ chồng nhận nuôi con nuôi phải thỏa mãn điều kiện đã kết hôn trên 2 năm hoặc cả hai trên 28 tuổi thì họ mới có thể yêu cầu nhận con nuôi. Đây là quy định rất phù hợp, 2 năm hôn nhân là khoảng thời gian tương đối ổn định và gắn bó giữa hai vợ chồng, lúc này quyết định nhận nuôi một đứa trẻ sẽ mang tính đảm bảo và thống nhất cao hơn. Còn nếu chưa thỏa mãn điều kiện đã kết hôn trên 2 năm thì cặp vợ chồng vẫn có khả năng nhận con nuôi nếu cả hai đều trên 28 tuổi, lúc này chúng ta sẽ lí giải theo hướng độ tuổi đủ chín chắn như phần trình bày ở nội dung trên.

Pháp luật Việt Nam nên cụ thể hóa và quy định theo hướng tăng điều kiện về độ tuổi của người nhận con nuôi để đảm bảo hơn về điều kiện tâm lý, kinh tế của người nhận con nuôi. Ngoài ra, việc bổ sung quy định về mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng nhận con nuôi cũng nên được xem xét thêm để đảm bảo rằng quyết định nhận con nuôi của cặp vợ chồng là quyết định mang tính ổn định, lâu dài. Qua đó góp phần giảm bớt tình trạng kết hôn giả tạo mà lại nhận con nuôi, ly hôn sau khi nhận con nuôi, …; những điều này sẽ để lại hậu quả tâm lí nặng nề đối với đứa trẻ được nhận nuôi.

Quy định điều kiện của người được nhận nuôi

Pháp luật về nuôi con nuôi nước ta cho phép việc nhận nuôi con nuôi là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chúng ta có quy định ràng buộc rằng cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày (Khoản 4 Điều 21), bởi vì 15 ngày là khoảng thời gian để một đứa trẻ mới sinh có thể phát triển tương đối cứng cáp, ổn định. Sau thời gian này thì quan hệ nuôi con nuôi mới có thể được xác lập. Việc nhận nuôi con nuôi là trẻ sơ sinh là điều hết sức bình thường và được pháp luật các nước cho phép; tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trẻ sơ sinh là đối tượng được nhắm đến chủ yếu của tội phạm buôn bán trẻ em[1]. Như vậy, việc nhận nuôi con nuôi có thể là hình thức trá hình nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật Pháp có quy định nhằm tránh tình trạng lợi dụng quan hệ nuôi con nuôi để thực hiện hành vi buôn bán trẻ sơ sinh. Cụ thể, Điều 348-5 Bộ luật Dân sự Pháp quy định rằng “Trừ khi có mối quan hệ họ hàng ở cấp độ thứ sáu trở lại[2] giữa người nhận con nuôi và người được nhận con nuôi, việc đồng ý nhận trẻ em dưới 2 tuổi làm con nuôi chỉ có giá trị nếu đứa trẻ thực sự đã được giao cho dịch vụ phúc lợi trẻ em hoặc cho một cơ quan được phép nhận làm con nuôi”. Có thể thấy Pháp quy định khá chặt chẽ về chủ thể được phép nhận con nuôi là trẻ em dưới 2 tuổi. Chủ thể này chỉ có thể là những người có mối quan hệ họ hàng với đứa trẻ, nếu không thì đó chỉ có thể là dịch vụ phúc lợi trẻ em hoặc cơ quan được phép nhận con nuôi. Nhìn lại quy định của pháp luật Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có quy định rằng lợi dụng việc nuôi con nuôi để mua bán trẻ em là một hành vi bị cấm (Khoản 1 Điều 13 Luật nuôi con nuôi năm 2010), tuy nhiên pháp luật nước ta chưa có quy định nào để ngăn chặn tình trạng này. Có thể tham khảo những điểm tiến bộ trong quy định của pháp luật Pháp để xem xét sửa đổi, bổ sung quy định trong tương lai nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn mua bán trẻ sơ sinh hiện nay.

1.2.  Về thủ tục nhận nuôi con nuôi

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi bao gồm thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước và nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Thủ tục nhận nuôi con trong nước được quy định tại Chương II Luật nuôi con nuôi năm 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật nuôi con nuôi (Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP), công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết. Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và tiến hành việc lập ý kiến. Việc nhận con nuôi phải được sự đồng ý cho làm con nuôi của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch.

Trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì áp dụng quy định về thủ tục tại Chương III Luật nuôi con nuôi năm 2010. Thủ tục nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài bao gồm việc nhận nuôi con nuôi ở nước ngoài và người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam làm con nuôi sẽ có những quy định riêng biệt bởi tính chất đặc trưng của vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Thủ tục này có thể tóm tắt qua 2 bước cơ bản sau:

– Bước 1. Người có yêu cầu đăng ký việc nuôi con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Sở Tư pháp nơi cha mẹ nuôi và con nuôi thường trú hoặc nơi đã đăng ký việc nuôi con nuôi trước đây.

– Bước 2. Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài để cấp cho người yêu cầu đăng ký.

So sánh với quy định về vấn đề nuôi con nuôi trong Bộ luật Dân sự của Pháp, Pháp có hai hình thức nuôi con nuôi là “adoption simple” (tạm dịch : “nuôi con nuôi đơn giản”) và “adoption plénière” (tạm dịch : “nuôi con nuôi trọn vẹn”), hai hình thức này chứa đựng những điều kiện khác nhau về chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi và dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau. Trong đó, vấn đề nuôi con nuôi theo Luật nuôi con nuôi của nước ta có thể hiểu theo ý nghĩa tương tự với hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” theo pháp luật Pháp, cho nên bài viết này chỉ xem xét những quy định có liên quan đến hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” trong Bộ luật Dân sự của Pháp. Theo quy định của Bộ luật này, về cơ bản việc nhận nuôi con nuôi cũng phải được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt đáng chú ý đó là pháp luật chỉ cho phép nhận con nuôi đối với trẻ em dưới 15 tuổi đã sống trong nhà của (các) cha mẹ nuôi ít nhất 6 tháng (Điều 345 Bộ luật Dân sự Pháp). Cụ thể, người muốn nhận con nuôi phải được sự chấp thuận của dịch vụ phúc lợi trẻ em (ASE – Aide Sociale à l’Enfance) tại địa phương đảm bảo rằng người này đủ điều kiện tiếp nhận con nuôi; tiếp theo, đứa trẻ sẽ được nhận nuôi được nuôi dưỡng trong nhà của người này ít nhất 6 tháng trước khi người này nộp yêu cầu về việc nhận nuôi con nuôi đến tòa án có thẩm quyền.[3] Pháp luật Việt Nam không có quy định tương tự như vậy trong thủ tục nhận nuôi con nuôi. Theo tôi, cách quy định của pháp luật Pháp là phù hợp và tiến bộ khi yêu cầu một khoảng thời gian sinh sống với nhau tương đối dài giữa người nhận nuôi con nuôi và đứa trẻ sẽ được nhận nuôi. Thông qua giai đoạn này, người nhận nuôi con nuôi và đứa trẻ sẽ có những trải nghiệm nhất định về mặt tình cảm cá nhân, thấu hiểu hơn về nhu cầu vật chất – kinh tế khi xác lập mối quan hệ mới, … trước khi đi đến quyết định có nộp yêu cầu công nhận quan hệ nuôi con nuôi hay không. Quy định này giúp cho quyết định nhận nuôi con nuôi (nếu có) của người nhận nuôi con nuôi sẽ trở nên thấu đáo và qua đó việc nhận nuôi con nuôi sẽ đạt hiệu quả hơn. Đây là một cách quy định mà các nhà lập pháp Việt Nam có thể tham khảo và cân nhắc nhằm hoàn thiện hơn quy định của Luật nuôi con nuôi trong tương lai.

2. Quyền của đứa trẻ được nhận nuôi

Sau khi quan hệ nuôi con nuôi đã được xác lập hợp pháp, pháp luật nhiều nước trên thế giới thừa nhận rằng giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (Điều 358 Bộ luật Dân sự Pháp năm 2018, Điều 727 Bộ luật Dân sự Nhật Bản năm 1896, …). Pháp luật Việt Nam cũng quy định theo hướng như trên, Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định rõ rằng giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy định này cũng được đề cập đến trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Khoản 3 Điều 68, Khoản 1 Điều 78). Liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ đối với con, Luật Hôn nhân và gia đình có những điều khoản liên quan như nghĩa vụ và quyền của cha mẹ (Điều 69); nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 71); nghĩa vụ và quyền giáo dục con (Điều 72); … Đối với con nuôi là trẻ em thì Luật trẻ em năm 2010 cũng quy định rõ một trong những trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế là phải bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống an toàn, thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em phù hợp với điều kiện của người nhận chăm sóc thay thế (Điểm a Khoản 1 Điều 64).

Nói chung, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi cũng giống như quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con có quan hệ huyết thống thông thường, đặc biệt khi con là trẻ em thì cha mẹ cần phải đảm bảo các quyền của trẻ em được quy định cụ thể trong Luật trẻ em. Khi cha mẹ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình thì điều này cũng đồng nghĩa với việc con có điều kiện được tiếp cận và thụ hưởng những quyền của mình. Trong mối quan hệ nuôi con nuôi, đối tượng được nhận nuôi là trẻ em thì việc bảo vệ các quyền của đứa trẻ này cần phải được quan tâm nhiều hơn. Theo quy định tại Mục 1 Chương II về quyền của trẻ em trong Luật trẻ em năm 2016, ngoài các quyền cơ bản như quyền được sống, quyền được khai sinh, quyền vui chơi giải trí …; trẻ em có các quyền đặc trưng cho đặc điểm tâm sinh lí chưa hoàn thiện của đối tượng thuộc lứa tuổi này như quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền được sống chung với cha mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; …

Việc trẻ em được thụ hưởng những quyền đặc trưng này trên thực tế phụ thuộc chủ yếu vào người trực tiếp sống chung với đứa trẻ, mà thông thường là cha mẹ, và dĩ nhiên khái niệm này bao hàm cả cha mẹ nuôi. Mặc dù pháp luật có những quy định nhằm bảo đảm chăm sóc, giáo dục trẻ em tại Chương III Luật trẻ em năm 2016, tuy nhiên trên thực tế, trách nhiệm của mẹ trong nhiều trường hợp không được thực hiện đúng và đầy đủ, do đó dẫn đến việc trẻ em không được thụ hưởng những quyền đáng lẽ ra chúng phải được đảm bảo để có thể hoàn thiện và phát triển toàn diện. Mặt khác, trong mối quan hệ nuôi con nuôi, một mối quan hệ nuôi dưỡng đặc biệt, còn có khả năng tồn tại những hiện tượng tiêu cực khác làm cho giá trị nhân văn mang tính bản chất của mối quan hệ này bị lệch lạc trên thực tế. Chẳng hạn, lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi cá nhân, bóc lột sức lao động của trẻ em, lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, …

Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, vụ lợi từ việc nhận nuôi con nuôi. Cụ thể, pháp luật yêu cầu điều kiện ngay từ ban đầu đối với người nhận nuôi con nuôi là phải có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hay đang chấp hành hình phạt tù; … Ngoài ra, Luật nuôi con nuôi cũng đã dự trù một số hành vi bị cấm khi nuôi con nuôi được cụ thể hóa tại Điều 13 Luật nuôi con nuôi năm 2010. Chẳng hạn, giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; … Hậu quả pháp lý của những hành vi nói trên là việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt nếu thỏa mãn căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010. Luật trẻ em năm 2016 cũng có điều khoản quy định về theo dõi, đánh giá trẻ em được nhận chăm sóc thay thế (Điều 68), theo đó cơ quan lao động – thương binh và xã hội có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chăm sóc thay thế tại gia đình và cơ sở trợ giúp xã hội; xử lý theo thẩm quyền trường hợp xâm hại trẻ em hoặc vi phạm tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, những quy định nói trên khi đưa vào áp dụng thì vẫn còn một số bất cập. Chẳng hạn như việc xác định điều kiện đối với người nhận con nuôi. Luật và Nghị định về nuôi con nuôi chỉ quy định trách nhiệm chủ yếu của Ủy ban nhân dân là xác nhận là về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi. Liên quan đến tiêu chí “có tư cách đạo đức tốt” thì không có căn cứ xác định, thực tế đây là một tiêu chí khó xác định vì nó mang tính chất định tính và có thể chuyển biến theo thời gian. Vì những bất cập đó, dẫn đến thực tiễn cho thấy trách nhiệm của cha mẹ nuôi đối với con nuôi là trẻ em hiện nay chưa được thực hiện tốt, nhà nước chưa có cơ chế quản lí chặt chẽ và cũng chưa có giải pháp đảm bảo thực hiện hay biện pháp chế tài phù hợp.

3. Trách nhiệm của những người có liên quan trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi và cơ quan giám sát việc nuôi con nuôi

3.1. Trách nhiệm của cha mẹ nuôi

Về mặt pháp lý, cha mẹ nuôi có những quyền và nghĩa vụ như cha mẹ ruột. Con nuôi vẫn có quyền hưởng thừa kế cùng hàng với con ruột, cha mẹ nuôi vẫn có nghĩa vụ giáo dục, nuôi dưỡng và cấp dưỡng cho con nuôi. Ngoài ra, để đảm bảo việc nhận nuôi con nuôi mang đúng giá trị nhân văn, tránh trường hợp cha mẹ nuôi sau khi nhận đứa trẻ về, lại không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc nghiêm trọng hơn là việc lợi dụng sức lao động của đứa trẻ để kiếm tiền cho mình, pháp luật có quy định việc cha mẹ nuôi phải báo cáo định kỳ về việc nuôi con nuôi.

Trong trường hợp nhận con nuôi trong nước thì “Sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi”.

Trường hợp con nuôi có yếu tố nước ngoài thì “Sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tư pháp và Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước nơi con nuôi thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Cha mẹ nuôi thông báo tình hình phát triển của con nuôi cho Bộ Tư pháp và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của Luật nuôi con nuôi. Việc thông báo có thể được thực hiện qua đường bưu điện, fax hoặc scan gửi theo đường thư điện tử”.[4]

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo không được thực hiện đầy đủ và pháp luật chưa có chế tài xử lý dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quy định mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ này của cha, mẹ nuôi. Bên cạnh trách nhiệm thông báo tình hình phát triển của con nuôi mà cha, mẹ nuôi có nghĩa vụ thực hiện, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú của cha, mẹ nuôi cũng cần đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Nuôi con nuôi. Trách nhiệm này bao gồm cả việc tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc cha, mẹ nuôi thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong trường hợp không nhận được báo cáo định kỳ theo quy định.

3.2. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội trong việc giám sát và bảo vệ quyền trẻ em đối với con nuôi

Khảo sát 254 người dân nhận con nuôi trong nước cho thấy, có 75,6% số người nhận con nuôi ở độ tuổi từ 30- 50 tuổi và có điều kiện kinh tế ở mức độ bình thường; 41,3% người nhận con nuôi có trình độ học vấn thấp; 65% người nhận trẻ em làm con nuôi ở trên chính địa bàn nơi mình sinh sống.

Lý do nhận con nuôi chủ yếu là vì không có con cái (chiếm 65%), muốn giúp đỡ người thân trong gia đình gặp phải khó khăn (chiếm 15,4%) và muốn chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi (chiếm 19,6%). Người nhận con nuôi đa số có mối quan hệ quen biết hoặc quan hệ họ hàng với trẻ em được nhận làm con nuôi. Đặc biệt, phần lớn người nhận con nuôi trong nước nhận trẻ em có tình trạng sức khỏe bình thường, sức khỏe tốt làm con nuôi, chưa kể còn có sự lựa chọn giới tính của trẻ.[5]

Những quy định của pháp luật về nhận nuôi con nuôi là lý thuyết; hiệu quả của việc hiện thức hóa những quy định pháp luật nói trên vào thực tiễn phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quá trình công nhận, quản lý việc nuôi con nuôi. Qua đó cho thấy, trách nhiệm kiểm tra điều kiện thực tế của cha mẹ nuôi và hoạt động giám sát của cơ quan nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho đứa trẻ nhận nuôi có môi trường sống tốt. Trẻ em là đối tượng được nhà nước quan tâm đặc biệt, cho nên quản lý, kiểm tra, giám sát việc nuôi con nuôi được phân công, phân nhiệm bởi nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý chung, Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý trực tiếp ở trung ương, chuyên trách bởi Cục nuôi con nuôi. Ở địa phương, Sở tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chịu trách nhiệm tổ chức đăng ký, kiểm tra, giám sát việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, việc kiểm tra này phải được các cơ quan chú trọng từ lúc xem xét điều kiện nuôi con nuôi. Việc kiểm tra không nên dừng lại ở việc kiểm tra trên giấy tờ pháp lý mà cơ quan nhà nước cần cử người kiểm tra thực tế xem cuộc sống của cha mẹ nuôi như thế nào trước khi thực hiện thủ tục nhận nuôi. Theo quy định pháp luật về nuôi con nuôi, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành kiểm tra, hồ sơ, lấy ý kiến của những người liên quan bao gồm cha mẹ đẻ, người giám hộ[6]. Tuy nhiên, cần xem xét lấy ý kiến của những người sinh sống trong cùng khu vực, tiếp xúc thường xuyên với cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của đứa trẻ để hiểu được lý do thực sự của việc cho và nhận con nuôi.

Ngoài ra, nếu pháp luật đã yêu cầu cha mẹ nuôi phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ về việc nuôi con nuôi thì về phía cơ quan nhà nước cũng cần phải có các hoạt động giám sát thường xuyên, có thể phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thành niên để theo dõi tình trạng sức khỏe, tinh thần của đứa trẻ được nhận nuôi. Trẻ em thường không thể tự thực hiện được quyền bảo vệ của mình khi độ tuổi còn quá nhỏ, cho nên cần có những người đủ kiến thức, nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của trẻ em để có thể quan tâm, chia sẻ và hiểu được suy nghĩ, tâm tư thật sự của đứa trẻ được nhận nuôi. Về vấn đề này, Ủy ban nhân dân cấp xã có thể phối hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên ở địa phương để triển khai thực hiện.

4. Một số kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi trẻ em được nhận nuôi

Để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em là con nuôi, cần đảm bảo việc xây hệ thống quy định pháp luật về con nuôi phù hợp và công tác kiểm tra, giám sát, áp dụng pháp luật được thực thi một cách hiệu quả, cụ thể:

Về điều kiện nuôi con nuôi: có thể tham khảo quy định pháp luật của Pháp về độ tuổi được nhận nuôi con nuôi, cần cân nhắc điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay. Thứ nhất, độ tuổi của cha mẹ nuôi nên tính toán ở độ tuổi đã tốt nghiệp đại học (thông thường là từ 22 tuổi) và có khả năng lao động tạo ra mức thu nhập ổn định (trừ trường hợp người nhận nuôi là họ hàng, thân thích của đứa trẻ). Như vậy, quy định về độ tuổi nhận nuôi con nuôi phù hợp phải từ 26 tuổi trở lên, sau khi một người đã tốt nghiệp đại học (hoặc bậc học khác) và đã có việc làm ổn định. Trường hợp vợ chồng nhận nuôi con nuôi thì nên sau thời gian chung sống từ 1 đến 2 năm trở lên để đảm bảo cuộc sống gia đình đã ổn định tương đối trước khi nhận trẻ em làm con nuôi. Thứ hai, nhằm góp phần hạn chế nạn buôn bán trẻ sơ sinh hiện nay, pháp luật cũng nên quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nhận nuôi con nuôi là trẻ sơ sinh.

Về thủ tục nhận nuôi con nuôi: thủ tục nhận nuôi con nuôi hiện nay đã được quy định khá chặt chẽ, các cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện cho cha mẹ nuôi được nhận nuôi con nhằm giúp trẻ em sớm có gia đình, sớm có người chăm sóc, giáo dục. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương – Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi và con nuôi cư trú cần kiểm tra thực tế về điều kiện, hoàn cảnh của cha mẹ nuôi và lý do đứa trẻ được cho nuôi (nếu đứa trẻ còn cha mẹ ruột); cần xem xét lấy ý kiến của những người có liên quan nơi cha mẹ nuôi sinh sống để hiểu thêm về mục đích nhận nuôi con và hoàn cảnh sống của gia đình đứa trẻ sẽ được nhận nuôi.

Bên cạnh đó, có thể xem xét bổ sung thêm thủ tục cho trẻ em được nhận nuôi dưới 15 tuổi ở chung nhà với cha mẹ nuôi từ 3 đến 6 tháng để xem khả năng thích nghi với môi trường mới của đứa trẻ trước khi hoàn tất các thủ tục nhận nuôi con nuôi nhằm hạn chế các trường hợp cha mẹ nuôi trả lại đứa trẻ được nhận nuôi cho các cơ sở phúc lợi, trại trẻ mồ côi, … do không thể chăm sóc được.

 Về công tác kiểm tra, giám sát sau khi đứa trẻ được nhận nuôi: bên cạnh việc quy định nghĩa vụ báo cáo của cha mẹ nuôi, cần có thêm quy định về hoạt động kiểm tra và báo cáo định kỳ của các cơ quan nhà nước có liên quan trong hoạt động quản lý, giám sát việc nuôi con nuôi. Việc kiểm tra, giám sát không nên chỉ dừng lại trong 3 năm, bởi lẽ nếu đứa trẻ còn quá nhỏ thì khi hết thời hạn 3 năm, đứa trẻ cũng không thể tự thực hiện quyền tự bảo vệ của mình. Pháp luật quy định, người có năng lực hành vi dân sự là người đủ 18 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức bình thường. Vì vậy, nên xem xét việc giám sát nuôi con nuôi tùy theo độ tuổi đứa trẻ được nhận nuôi mà có thời gian giám sát phù hợp. Có thể thực hiện việc giám sát thường xuyên cho đến khi đứa trẻ đủ 9 tuổi, sau đó có thể thực hiện giám sát định kỳ cho đến khi đứa trẻ có thể đủ khả năng nhận thức và đủ hiểu biết để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Tóm lại, pháp luật nước ta đã có những quy định khá đầy đủ và nhân văn trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Tuy nhiên, cần xem xét điều kiện kinh tế-xã hội hiện tại để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp, đồng thời cần chú trọng công tác hậu kiểm và kiểm tra thực tế trong việc quản lý, giám sát việc nuôi con nuôi nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của trẻ em được nhận nuôi.

ThS. Trần Kiều Nhi,
ThS. Hồ Trần Bảo
Trâm
Khoa Luật – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

[1] An ninh thủ đô (2019), “ Đường dây buôn bán trẻ sơ sinh xuyên quốc gia : “Cho con nuôi” cũng… sinh lãi (?!) ”, ngày 10/06/2019, https://anninhthudo.vn/duong-day-buon-ban-tre-so-sinh-xuyen-quoc-gia-cho-con-nuoi-cung-sinh-lai-post396042.antd, ngày truy cập : 19/08/2020.

[2] FamiPedia, “ Degré de parenté ou d’alliance ”, https://bruxelles.famipedia.be/fr/lexicon/degre-de-parente-ou-dalliance, ngày truy cập : 19/08/2020.

[3] Muriel Bourgeois (2017), “ Adoption plénière : conditions et procédure ”, ngày 01/07/2017, http://leparticulier.lefigaro.fr/jcms/p1_1614268/adoption-pleniere-conditions-et-procedure#, ngày truy cập : 18/08/2020.

[4] Điều 39 Luật nuôi con nuôi, Thông tư 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH ngày 22/02/2016 hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết.

[5] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2016), “ Gần 2.000 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài ”, ngày 24/02/2016, http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=26023, ngày truy cập : 23/9/2020.

[6] Điều 20 và Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010.

Bảo vệ quyền trẻ em là con nuôi, so sánh một số quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật của Pháp

Call Now