Giới thiệu

Tổng quan

Với gần 1.000.000 doanh nghiệp, hàng nghìn cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước, tư pháp, giáo dục… và nền kinh tế thị trường đang phát triển của nước ta hiện nay thì đòi hỏi một nguồn nhân lực cao có trình độ chuyên môn ngành Luật kinh tế – một ngành học dựa trên nền tảng kiến thức luật học và kiến thức kinh tế. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động thì ngày 29/5/2015 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành mở Bộ môn Luật kinh tế theo Quyết định số 1817/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau bốn năm, ngày 24 tháng 04 năm 2019 Khoa Luật được thành lập theo Quyết định số 174/QĐ-NTT của Hiệu trưởng nhà trường, trên cơ sở Bộ môn Luật Kinh tế từ Khoa Quản trị – Luật.

Tầm nhìn

Đến năm 2025, Khoa Luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ trở thành một đơn vị có uy tín về đào tạo luật theo định hướng ứng dụng ở Việt Nam.

 

Sứ mạng

Khoa Luật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là đơn vị cung ứng nguồn nhân lực ngành Luật kinh tế có trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tôn trọng và triệt để thi hành pháp luật để làm việc tại các cơ quan nhà nước và tổ chức hành nghề luật.

Triết lý đào tạo

Dựa trên triết lý giáo dục của ĐH Nguyễn Tất Thành là: “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”, Khoa thống nhất sử dụng triết lý giáo dục này và chuyển tải vào các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của Khoa như:

– Thực học: SV ngành Luật Kinh tế được học tập trong môi trường học thuật gắn liền với thực tiễn thông qua hoạt động gắn kết đào tạo với các cơ quan, tổ chức hành nghề luật.

– Thực hành: SV được tham gia kiến tập, thực tập tại các cơ quan, tổ chức hành nghề luật như: Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, Văn phòng thừa phát lại… hoặc thực hành mô phỏng thực tế hành nghề như tổ chức phiên tòa giả định, phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại, hòa giải thương mại… tại Phòng thực hành nghề luật của Khoa, được các GVDN hướng dẫn để ứng dụng các kiến thức pháp luật vào thực tiễn thi hành pháp luật.

– Thực danh: SV có hình dung cụ thể các chức danh nghề luật và có ý thức yêu nghề, sự tự tôn, dám dấn thân và có trách nhiệm cao đối với xã hội, luôn sẵn sàng xây dựng và bảo vệ uy tín của Khoa, Trường.

– Thực nghiệp: Khoa tạo mọi điều kiện cho SV phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình học tập tại trường và chuẩn bị hành trang đầy đủ để có thể hành nghề sau khi tốt nghiệp.

Tóm lại, Khoa xác định hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của Khoa gắn liền với hoạt động thực tiễn thi hành pháp luật nhằm đào tạo đội ngũ SV có kiến thức vững vàng và năng lực thực hành nghề nghiệp tốt để trở thành những người hành nghề luật có chất lượng và uy tín.

Mục tiêu

1. Có 90% sinh viên đánh giá hài lòng về (i) tài liệu học tập, (ii) cơ sở vật chất phục vụ môn học, (iii) hoạt động giảng dạy của Giảng viên.

2. Giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên có nhu cầu và phấn đấu ít nhất 90% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong vòng một năm.

3. Thực hiện điều chỉnh Chương trình đào tạo có tích hợp nội dung thực hành và hoàn thiện đề cương chi tiết của tất cả học phần cơ sở ngành và chuyên ngành của ngành Luật Kinh tế.

4. Ký kết hợp tác với ít nhất 1 tạp chí khoa học trong lĩnh vực pháp lý.

5. Nghiệm thu 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường và đăng ký thực hiện 2 đề tài NCKH mới cấp Trường.

6. Tổ chức ít nhất 1 hội thảo cấp trường về chuyên ngành luật và 1 Hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên.

7. Liên kết đào tạo thực hành với ít nhất 10 đơn vị hành nghề luật uy tín hiện nay và xây dựng đội ngũ giảng viên thực hành khoảng 70 GV.

8. Tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của CLB Pháp luật và tổ chức 1 cuộc thi học thuật dành cho SV.

9. Tổ chức ít nhất 2 chương trình kiến tập cho sinh viên ngành Luật Kinh tế.

10. Triển khai chương trình đào tạo văn bằng 2 ngành Luật Kinh tế.

Giá trị cốt lõi

“Chất lượng – Chuyên nghiệp – Công minh”

* Chất lượng:
– CTĐT đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành luật kinh tế.
– Nội dung CTĐT cung cấp đầy đủ cho SV các kiến thức chuyên môn và thực tiễn.
– Đội ngũ GV có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm làm việc.

* Chuyên nghiệp:
– CTĐT kết hợp lý thuyết và thực hành giúp SV rèn luyện tư duy và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết ngay trong quá trình học tập tại Trường.
– Các chương trình kiến tập, thực tập được xây dựng để tạo điều kiện cho SV tiếp cận thực tiễn hành nghề luật một cách chuyên nghiệp.

* Công minh:
– Rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức của người hành nghề luật cho SV.
– Có thái độ tôn trọng lẽ phải, pháp luật và vận dụng hợp lý kiến thức đã học vào công việc nghề luật, góp phần bảo vệ công bằng và trật tự xã hội.

Triết lý giáo dục
Học để hiểu biết – Học để trưởng thành– Học để tương tác với người khác–Học để làm việc
Khẩu hiệu (slogan)
giỏi chuyên môn, dấn thân vì cộng đồng

Hình thành và phát triển

Trường hiện đang đào tạo nhiều ngành và bậc học với số lượng hơn 22.000 SV, trong đó Khoa Luật tuy là một khoa non trẻ của Trường nhưng đã thu hút được số lượng lớn SV. Các phòng học phục vụ công việc đào tạo, giảng dạy và học tập của Khoa Luật được bố trí, sắp xếp tại cơ sở An Phú Đông (331 Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, Quận 12, TP.HCM). Cụ thể, văn phòng Khoa được đặt ở tầng 1, tòa nhà L – Cơ sở An Phú Đông; phòng thực hành nghề luật ở tầng 1, Trung tâm thông tin – thư viện – Cơ sở An Phú Đông; ngoài ra, một số phòng được bố trí sử dụng chung với Trường như hệ thống phòng học, giảng đường, phòng hội thảo, khu tự học, phòng máy tính, phòng đọc, thư viện… sắp xếp hợp lý theo hệ thống sơ đồ rõ ràng.

Thành tích đạt được

Được tổ chức xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và tham khảo nhiều chương trình tiên tiến của các trường hàng đầu đào tạo lĩnh vực trong cả nước, thay đổi nội dung phù hợp với thực tế, theo yêu cầu của xã hội với sự giám sát và hỗ trợ về chuyên môn của các tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành.

Khoa Luật Trường Đại học Nguyễn Tất Thành quy tụ đội ngũ giảng viên cơ hữu là các Tiến sỹ, Thạc sỹ được đào tạo tại các trường đào tạo về luật có uy tín trong và ngoài nước với chuyên môn nghiệp vụ cao, nhiệt tình và tận tâm với công việc và sinh viên. Bên cạnh đó, để thực hiện triết lý đào tạo: “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” của trường thì Khoa Luật đã ký hợp đồng với gần 100 giảng viên thực hành, giảng viên thỉnh giảng là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại với kiến thức chuyên môn và thực tiễn cao… đến từ Tòa án, Viện kiểm sát, Văn phòng luật sư, Công ty Luật, Văn phòng công chứng,v.v trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận tham gia truyền ‘lửa’ cho hơn 1000 sinh viên các khóa.

Nhà trường đã ký kết hợp tác qua sự giới thiệu của khoa với hơn 30 cơ quan, tổ chức hoạt động nghề luật như: Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, Công ty luật, Văn phòng công chứng,… để sinh viên Khoa Luật có cơ hội thực tập, kiến tập và tiếp xúc với thực tiễn bên cạnh lý thuyết học được tại trường. Hơn thế nữa, đó là sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự tin theo đuổi các công việc mà mình yêu thích: Chuyên viên tư vấn pháp luật trong các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế; theo đuổi nghề luật sư; trở thành Giảng viên, Nghiên cứu viên tại các cơ sở giáo dục, nghiên cứu; Chuyên viên pháp lý tại các cơ quan nhà nước; làm việc tại các cơ quan tư pháp như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án…

Ngoài những hoạt động chính là học và giảng dạy, Khoa Luật còn tổ chứng những hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của sinh viên đến các vấn đề xã hội như hoạt động: mùa hè xanh, trung thu cho em, câu lạc bộ Pháp luật, những buổi học tập chuyên đề, phiên tòa giả định, phiên họp trọng tài…

Chưa đầy 1 năm kể từ ngày thành lập khoa, Khoa Luật đã có 03 đề tài GV cấp Trường và 15 đề tài SV. Ngoài ra, GV cũng tham gia viết bài cho các báo, tạp chí trong và ngoài nước, đã có nhiều bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tin. Hơn thế nữa, Khoa Luật đã mạnh dạng tổ chức được 02 hội thảo khoa học chuyên ngành với chủ đề thu hút được các nhà nghiên cứu, nhà hành nghề luật quy tụ và viết bài tham luận.

Có các hoạt động tham gia hội thảo trong và ngoài nước, dự án hợp tác…