Hàng năm, vào ngày 19/5 cùng với cả nước, mỗi người dân Việt Nam chúng ta lại bâng khuâng tưởng nhớ đến chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vị cha già của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, Hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890, tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, chứng kiến các phong trào yêu nước kháng Pháp với xu hướng khác nhau tiêu biểu như phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh hay phong trào khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám… nổ ra liên tiếp nhưng đều thất bại vì chưa có đường lối đúng đắn; chứng kiến sự bóc lột, đày đọa tàn bạo của thực dân Pháp với người dân; mắt thấy tai nghe về sự hy sinh xương máu của đồng bào, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sớm nung nấu ý chí ra nước ngoài, xem các nước khác, “sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Ngày 5/6/1911 Người thanh niên ưu tú của dân tộc Việt Nam – Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Gần 30 năm sinh sống và hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu các nước tham dự Hội nghị thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1921, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa; năm 1922 xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp…Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng cộng sản tại Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn, đào tạo cán bộ để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.
Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920 đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp.
Năm 1929, ba tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời tại Việt Nam. Được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, ngày 03/2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức trên, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Từ 1930-1940, Người tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, bị bắt giam và tù đày, cô lập.
Giữa năm 1923, Người sang Liên Xô
Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyên trong cả nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 02/1946, Người nói chuyện với hơn 10 vạn nhân dan thủ đô Hà Nội sau cuộc Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (1954). Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Người làm việc trong hang đã ở Việt Bắc năm 1951
Cuối năm 1953, tại Việt Bắc, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đề ra đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng cộng sản Việt Nam với các Đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Di chúc Người để lại là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới đấu tranh vì mục tiêu cao cả: Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của con người. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân, bạn bè thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng và tốt đẹp nhất. Bạn bè năm châu khâm phục và coi Hồ Chí Minh là “Lãnh tụ của thế giới thứ ba”, “…cuộc chiến đấu của Người sẽ là kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới” (Bumêđiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa dân chủ và nhân dân Angiêri); “Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ đối với tất cả chiến sỹ đấu tranh cho tự do” (trích điện văn của Chủ tịch Ban lãnh đạo phong trào nhân dân giải phóng Ănggôla Agôxtinhônêtô);“Tên tuổi của Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại” (trích điện văn của Ủy ban toàn quốc Đảng Cộng sản Mỹ). Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam..Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nội dung như: Một là, trung với nước, hiếu với dân: đây là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bốn là, có tinh thần quốc tế trong sáng. Phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Những nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh bao gồm: Phong cách tư duy, Phong cách làm việc, Phong cách lãnh đạo, Phong cách diễn đạt, Phong cách ứng xử, Phong cách sinh hoạt.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự phát triển bùng nổ của Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung; cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị trấn Thịnh Vượng nói riêng phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy cao độ truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng Thịnh Vượng ngày càng văn minh, giàu đẹp.