Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu là giảng viên, chuyên gia pháp lý, luật sư đến từ các học viện, trường ĐH có đào tạo về luật tham dự.
Luật đã bao quát, giám sát chặt hơn
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Hảo- Học viện Khoa học Xã hội cho biết mục tiêu của Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.
Đặc biệt là Luật sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công…
Qua đó, hướng đến việc nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Vì vậy, Luật Đầu tư công được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2019 thông qua sau khi hoàn thiện chỉnh sửa, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, theo PGS.TS sẽ mang lại những thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án, do việc đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh mẽ; Đồng thời, thực hiện Luật Đầu tư công mới này cũng sẽ góp phần cải thiện tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chậm trễ bao lâu nay.
“Các quy định mới của Luật một mặt vẫn chặt chẽ để đảm bảo sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công quý giá, mặt khác tạo thuận lợi trong điều chỉnh kế hoạch để tăng tỷ lệ giải ngân, hạn chế kéo dài thời gian thực hiện, chuyển nguồn…Vấn đề đặt ra hiện nay là triển khai thực hiện Luật này và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công sao cho hiệu quả khi nó đi vào cuộc sống”- PGS.TS Trần Đình Hảo nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đình Hảo, để thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 tốt Chính phủ và hệ thống hành pháp cần thực hiện 4 điểm cơ bản gồm:
1. Có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương xuống cơ sở, các cấp chính quyền; sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan, đoàn thể.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích quy định của Luật nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân; tăng sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
3. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong xây dựng các văn bản hướng dẫn trong quá trình thực hiện.
4. Tạo các điều kiện cần và đủ bảo đảm cho việc thi hành Luật như: Ban hành văn bản quy định chi tiết và chỉ đạo, đôn đốc thi hành Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; tang cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm nguồn lực về tài chính và con người cho việc thực hiện Luật; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Luật và các văn bản pháp quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật…
Luật Đầu tư công 2019 có nhiều điểm ưu việt
Còn theo TS Chu Hải Thanh- Khoa Luật, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đầu tư công ở Việt Nam và trên thế giới đều có những vai trò tương tự nhau như: góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; định hình và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của quốc gia; góp phần tạo an sinh xã hội thông qua việc sử dụng lao động trong các dự án đầu tư công và các dự án phục vụ lợi ích công cộng của quốc gia…
Tuy nhiên, nếu làm không tốt, Luật giám sát tiến trình đầu tư công không sát sao, việc thất thoát và sai phạm trong tiến trình thực hiện đầu tư công cũng rất dễ nảy sinh.
TS Chu Hải Thanh cho biết: Báo cáo trình Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vẫn còn rất nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có vi phạm, gây thất thoát, lãng phí.
Cụ thể, qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện. Không chỉ tổng hợp số lượng dự án có vi phạm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn “điểm mặt, chỉ tên” các địa phương có nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí. Nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang – có 196 dự án, tiếp đó là Phú Thọ – có 111 dự án, Quảng Ngãi – có 58 dự án…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán…
Bên cạnh đó, việc đầu tư các dự án công một cách dàn trải, chưa tập trung, chất lượng quản lý các dự án đầu tư công chưa cao cũng khiến cho việc phát huy lợi thế và vai trò của đầu tư công trong thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng.
Vì vậy, TS Chu Hải Thanh cho rằng: Luật Đầu tư công 2019 với điểm mới được sửa đổi là thống nhất về nguồn vốn đầu tư công (thống nhất nguồn vốn đầu tư công bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan tổ chức dành cho đầu tư).
Bên cạnh, việc quy định rõ hơn về việc phân cấp trong xem xét và quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, việc đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công…sẽ tạo được lực đẩy và diện mạo mới cho các dự án đầu tư công trong tương lai.
“Cá nhân tôi thấy, Luật Đầu tư công 2019 đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Bên cạnh việc giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của cộng đồng thì Luật Đầu tư 2019 đã bổ sung quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.
Đây chính là điểm quan trọng của Luật trong việc tăng cường khả năng giám sát và phản hồi qua hệ thống công nghệ thông tin một cách đơn giản và nhanh chóng, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước”- TS Chu Hải Thanh nhấn mạnh.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại